Xử lý nghiêm vi phạm về thu thập, xử lý thông tin cá nhân
Đây là một trong các mục tiêu quan trọng được nêu tại Chỉ thị 05/CT-BTTTT về công tác thi đua, khen thưởng năm 2024 được Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành vào ngày 25/12/2023.
Theo đó, một số nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2024 như sau:
1. Lĩnh vực Bưu chính tiếp tục phát triển bưu chính thành một trong các hạ tầng quan trọng, thiết yếu của quốc gia theo hướng bảo đảm tính gắn kết giữa hạ tầng mạng lưới, hạ tầng số và hạ tầng dữ liệu, trong đó lấy nền tảng số làm giải pháp đột phá. Định hướng, dẫn dắt, đặt hàng các doanh nghiệp công nghệ số, doanh nghiệp bưu chính lớn xây dựng, phát triển các nền tảng Make in Viet Nam trong lĩnh vực bưu chính để thúc đẩy chuyển đổi số lĩnh vực bưu chính. Duy trì, cải thiện xếp hạng chỉ số tích hợp phát triển bưu chính theo đánh giá của Liên minh Bưu chính Thế giới (UPU) trong Nhóm 6.
2. Lĩnh vực Viễn thông: Phát triển hạ tầng viễn thông thành hạ tầng số. Nâng cấp, hiện đại hóa, nâng cao năng lực, an toàn thông tin cho Mạng truyền số liệu chuyên dùng của các cơ quan Đảng, Nhà nước, làm cơ sở phát triển hạ tầng số kết nối 4 cấp hành chính từ Trung ương đến địa phương. Tập trung hoàn thiện hành lang pháp lý về viễn thông phù hợp với thị trường viễn thông Việt Nam hiện nay và xu thế phát triển mới trên thế giới. Nâng cao chất lượng dịch vụ viễn thông trên cơ sở áp dụng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, quy định quản lý chất lượng dịch vụ viễn thông phù hợp với việc phát triển nhanh chóng của các công nghệ và dịch vụ.
3. Lĩnh vực Chuyển đổi số quốc gia và Chính phủ số: Hoàn thiện môi trường pháp lý cho chuyển đổi số, phát triển chính phủ số. Đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số quốc gia trên cả 3 trụ cột: chính phủ số, kinh tế số và xã hội số. Trọng tâm là phát triển các nền tảng số để cung cấp dịch vụ theo nhu cầu, ứng dụng công nghệ mới để cung cấp dịch vụ mới cho người dân.
4. Lĩnh vực An toàn thông tin mạng: Phát triển Mạng lưới ứng cứu sự cố an toàn thông tin mạng quốc gia, đảm bảo điều phối kịp thời, phối hợp đồng bộ, hiệu quả các lực lượng để ứng cứu sự cố mất an toàn thông tin mạng, chống tấn công mạng. Xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm về thu thập, xử lý thông tin cá nhân. Hoàn thiện hành lang pháp lý bảo đảm an toàn thông tin cơ bản cho người dân trên không gian mạng; Xây dựng nền tảng kết nối Internet an toàn (SafeNet); Xây dựng các tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn thông tin; Nghị định quy định về chữ ký điện tử và dịch vụ tin cậy...
5. Lĩnh vực Kinh tế số và Xã hội số: Tiếp tục hiện thực hóa các mục tiêu Chiến lược phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 và triển khai Luật Giao dịch điện tử sửa đổi. Hoàn thiện hành lang pháp lý của Luật Giao dịch điện tử sửa đổi. Hỗ trợ, thúc đẩy chuyển đổi số doanh nghiệp; khuyến khích phát triển các mô hình kinh doanh mới. Tham mưu thực hiện các hoạt động hỗ trợ xúc tiến đầu tư, xúc tiến thương mại, phát triển kinh tế số. Xây dựng hệ tri thức mở về mô hình, kinh nghiệm phát triển kinh tế số và xã hội số Việt Nam và thế giới. Thúc đẩy việc triển khai, ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
6. Lĩnh vực Công nghiệp Công nghệ số: Phát triển công nghiệp công nghệ số lấy doanh nghiệp là trung tâm, chất lượng và thương hiệu sản phẩm là nền tảng, nhân lực tài năng số là then chốt. Thúc đẩy nghiên cứu, phát triển sản xuất thiết bị 5G Make in Viet Nam, đáp ứng nhu cầu triển khai mạng lưới trong nước. Phát triển công nghiệp vi mạch bán dẫn Việt Nam trong một hệ sinh thái toàn cầu. Xây dựng Luật Công nghiệp công nghệ số. Trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án mở rộng khu công viên phần mềm Đà Nẵng. Tổ chức giải thưởng “Sản phẩm công nghệ số Make in Viet Nam” năm 2024 và Diễn đàn quốc gia Phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam 2024.
7. Lĩnh vực Báo chí, truyền thông: Báo chí tiếp tục thể hiện vai trò quan trọng trong việc phản ánh trung thực dòng chảy chính của xã hội Việt Nam, tạo đồng thuận và niềm tin xã hội, tạo khát vọng Việt Nam hùng cường, trở thành nước công nghiệp phát triển vào năm 2045. Xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung Luật Báo chí năm 2016. Rà soát, đánh giá tổng thể hoạt động để chấn chỉnh, xử lý nghiêm minh đối với tình trạng “báo hoá” tạp chí và biểu hiện “tư nhân hoá” báo chí. Đẩy nhanh chuyển đổi số báo chí, trọng tâm là đưa sản xuất nội dung, phân phối nội dung lên môi trường số; tăng cường sử dụng các nền tảng Việt Nam, giảm dần phụ thuộc vào các nền tảng xuyên biên giới. Báo chí đối ngoại đẩy mạnh truyền thông về hình ảnh quốc gia, dân tộc; kịp thời phản bác quan điểm, tư tưởng sai trái; triệt phá, gỡ bỏ, ngăn chặn các thông tin xấu, độc, sai sự thật; xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân vi phạm. Triển khai thực hiện Nghị quyết của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ đến năm 2030 thực hiện Kết luận số 57-KL/TW ngày 15/6/2023 của Bộ Chính trị về tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thông tin đối ngoại trong tình hình mới. Đẩy mạnh hiện đại hóa hệ thống thông tin cơ sở và tăng cường tập huấn bồi dưỡng nâng cao năng lực chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác thông tin cơ sở trên nền tảng trực tuyến.
8. Lĩnh vực Xuất bản, In và Phát hành: Đổi mới toàn diện hoạt động quản lý nhà nước lĩnh vực Xuất bản, In và Phát hành theo hướng hiện đại. Xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất bản. Đẩy mạnh thực hiện quy hoạch; đưa cơ sở in xuất bản phẩm vào các khu công nghiệp in, đưa các cơ sở in có chứng nhận quốc tế về năng lực quản lý sản xuất, quản lý chất lượng vào khu công nghiệp. Xây dựng nền tảng xuất bản số; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động xuất bản nhằm phục hồi, phát triển mạng lưới xuất bản, phát hành xuất bản phẩm. Triển khai Chương trình Tủ sách nói “Tinh hoa văn hóa Việt Nam” với mục tiêu phát triển ngành xuất bản theo phương châm “Dân tộc hóa nội dung, thể hiện đa hình tướng, phát hành đa nền tảng” nhằm nâng cao khả năng tiếp cận bạn đọc, nâng cao tỷ lệ đọc sách của người dân. Tổ chức Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ ba và các hoạt động chào mừng; Giải thưởng Sách Quốc gia lần thứ 7.
9. Lĩnh vực Nhân lực số: Xây dựng nền tảng đào tạo đa nghề, ứng dụng công nghệ số để từng bước đáp ứng nhu cầu nhân lực số cho ngành Thông tin và Truyền thông. Xây dựng học liệu số phục vụ dạy học trên nền tảng, xây dựng video các bài giảng điện tử; thành lập tổ đào tạo trên môi trường số thực hiện nhiệm vụ tổ chức, quản lý, đào tạo trên nền tảng số; tổ chức liên kết đào tạo nghề nghiệp với các trường lớn, ưu tiên các lĩnh vực công nghệ thông tin, điện tử viễn thông, thương mại điện tử; thực hiện mở thêm mã ngành đào tạo phục vụ công cuộc chuyển đổi số và nhân lực số; thu hút tuyển dụng giảng viên chất lượng cao. Tổ chức đào tạo các chương trình mới nhằm đáp ứng nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao (thiết kế vi mạch, thiết kế chip bán dẫn, công nghệ game...). Xây dựng chương trình đào tạo kỹ năng số nhằm đào tạo cho các nhóm đối tượng cán bộ chưa được đào tạo về công nghệ. Nghiên cứu, đề xuất mô hình học tập trọn đời để thu hẹp khoảng cách tri thức giữa các vùng miền, đặc biệt là khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo.