Thay đổi cơ cấu tổ chức của Bộ Thông tin và Truyền thông
Ngày 26/7/2022, Chính phủ ban hành Nghị định 48/2022/NĐ-CP về việc quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Thông tin và Truyền thông.
Theo đó, Bộ Thông tin và Truyền thông là cơ quan của Chính phủ, thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về báo chí; xuất bản, in, phát hành; phát thanh và truyền hình; thông tin điện tử; thông tấn; thông tin đối ngoại; thông tin cơ sở; bưu chính; viễn thông; tần số vô tuyến điện; công nghiệp công nghệ thông tin; ứng dụng công nghệ thông tin; an toàn thông tin mạng; giao dịch điện tử; chuyển đổi số quốc gia và quản lý nhà nước các dịch vụ công trong các ngành, lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ.
Cơ cấu tổ chức của Bộ gồm 26 đơn vị (thay vì 28 đơn vị theo quy định trước đây). Cụ thể, 20 đơn vị giúp Bộ trưởng thực hiện chức năng quản lý Nhà nước như Vụ Bưu chính; Vụ Khoa học và Công nghệ; Vụ Kế hoạch - Tài chính; Vụ Kinh tế số và Xã hội số; Vụ Hợp tác quốc tế; Vụ Pháp chế; Vụ Tổ chức cán bộ; Thanh tra Bộ; Văn phòng Bộ.
Bên cạnh đó, Cục Báo chí; Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử; Cục Xuất bản, In và Phát hành; Cục Thông tin cơ sở; Cục Thông tin đối ngoại; Cục Viễn thông; Cục Tần số vô tuyến điện; Cục Chuyển đổi số quốc gia; Cục An toàn thông tin; Cục Công nghiệp công nghệ thông tin và Truyền thông; Cục Bưu điện Trung ương cũng thuộc 20 đơn vị thực hiện chức năng quản lý Nhà nước của Bộ.
Đồng thời, Viện Chiến lược Thông tin và Truyền thông; Trung tâm Thông tin; Báo Vietnamnet; Tạp chí Thông tin và Truyền thông; Học viện Công nghệ bưu chính, viễn thông; Trường Đào tạo, Bồi dưỡng cán bộ quản lý Thông tin và Truyền thông là 6 đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Bộ.
Nghị định có hiệu lực từ ngày 26/7/2022 và thay thế Nghị định số 17/2017/NĐ-CP ngày 17 tháng 02 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Thông tin và Truyền thông.