Hướng dẫn các yêu cầu chức năng của hệ thống trong triển khai thí điểm dịch vụ đô thị thông minh
Ngày 15/5/2020, Cục Tin học hóa, Bộ Thông tin và Truyền thông có Công văn số 587/THH-DVCNTT hướng dẫn các yêu cầu chức năng của hệ thống trong phạm vi triển khai thí điểm dịch vụ đô thị thông minh theo văn bản số 4176/BTTTT-THH ngày 22/11/2019 của Bộ Thông tin và Truyền thông về việc hướng dẫn triển khai thí điểm dịch vụ đô thị thông minh.
Với mục tiêu đưa ra các yêu cầu về chức năng của hệ thống trong triển khai thí điểm dịch vụ đô thị thông minh để các địa phương tham gia thí điểm tổ chức triển khai phù hợp với tình hình, nhu cầu thực tế tại địa phương. Kết thúc thời gian thí điểm, các Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp với Cục Tin học hóa thực hiện đánh giá, tổng kết kinh nghiệm và bài học từ thực tiễn triển khai thí điểm các dịch vụ đô thị thông minh của địa phương để từ đó tiếp tục hoàn thiện mô hình hệ thống cung cấp dịch vụ và xem xét nhân rộng mô hình cho các đô thị khác tại địa phương.
Hướng dẫn quy định rõ chức năng đối với hệ thống cung cấp dịch vụ đô thị thông minh gồm:
Các chức năng của nền tảng đô thị thông minh cho phép các dịch vụ, phần mềm trong hệ thống có thể kết nối, chia sẻ dữ liệu nghiệp vụ với các hệ thống phục vụ chính quyền điện tử qua nền tảng LGSP, dữ liệu dùng chung, định danh, phân quyền; giao diện lập trình ứng dụng (API); cơ chế lưu trữ, bóc tách, phân tích, tổng hợp dữ liệu lớn đồng thời bảo đảm an toàn, an ninh thông tin và quản trị cho nền tảng.
Các chức năng hệ thống cung cấp dịch vụ đô thị thông minh cơ bản gồm các dịch vụ: Phản ánh hiện trường; giám sát, điều hành giao thông; an ninh trật tự của đô thị; giám sát thông tin trên môi trường mạng; giám sát an toàn thông tin, dịch vụ công:
Các chức năng khuyến nghị của Trung tâm giám sát, điều hành đô thị thông minh để xử lý các tình huống khẩn cấp gồm: các loại báo cáo, các phân tích chuyên sâu nhiều chiều; công cụ hỗ trợ chỉ đạo điều hành được kết nối liên thông; kết nối trực tiếp đến camera các điểm cần giám sát, sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) phục vụ giám sát, theo dõi và nhận diện hành vi và đưa ra các cảnh báo, báo cáo giám sát; giám sát phân tích mạng xã hội; quy trình xử lý chuẩn (SOP), điều phối liên ngành; họp thông minh; các ứng dụng cho lãnh đạo để có thể theo dõi, chỉ đạo từ xa. Ứng dụng cho người dân để tiếp nhận thông tin, nhận cảnh báo và hướng dẫn xử lý khi có tình huống khẩn cấp…
Cục Tin học hóa, Bộ Thông tin và Truyền thông đề nghị các địa phương căn cứ vào các yêu cầu chức năng của hệ thống trong triển khai thí điểm dịch vụ đô thị thông minh nêu trên, chủ động phát triển các ứng dụng để phục vụ cho các đối tượng người sử dụng tương ứng để phù hợp với điều kiện thực tiễn./.