Hội thảo trao đổi, làm rõ một số nội dung sửa đổi, bổ sung Nghị định số 73/2019/NĐ-CP
Ngày 12/4/2024, tại Hà Nội, Cục Chuyển đổi số quốc gia tổ chức hội thảo trao đổi, làm rõ một số nội dung sửa đổi, bổ sung Nghị định số 73/2019/NĐ-CP ngày 05/9/2019 của Chính phủ quy định quản lý đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước.
Tham dự hội thảo có đại diện các đơn vị thuộc Bộ Công an, Bộ Tài chính, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Công Thương, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Nội vụ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ, Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Xây dựng. Về phía địa phương có Sở Thông tin và Truyền thông các tỉnh, thành phố: Lai Châu, Lào Cai, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Bắc Giang, Quảng Ninh, Hải Dương, Bắc Ninh, Nam Định, Ninh Bình, Thái Bình, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Hải Phòng.
Chủ trì hội nghị, Phó Cục trưởng Cục Chuyển đổi số Quốc gia, bà Trần Thị Quốc Hiền nêu ba nội dung chính gồm: (1) Điều chỉnh hạn mức đối với dự án đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng vốn đầu tư công được phép thiết kế 01 bước (khoản 2 Điều 10 Nghị định số 73/2019/NĐ-CP) và hạn mức đối với hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng kinh phí chi thường xuyên (điểm d khoản 1, khoản 2 và khoản 3 Điều 51 Nghị định số 73/2019/NĐ-CP); (2) Bổ sung quy định về thương mại hóa các phần mềm phổ biến (có nhiều bộ, ngành, địa phương sử dụng); (3) Bổ sung quy định về xác định tính hiệu quả giữa đầu tư và thuê dịch vụ công nghệ thông tin làm cơ sở đề xuất triển khai theo hình thức thuê dịch vụ.
Bà Trần Thị Quốc Hiền - Phó Cục trưởng Cục Chuyển đổi số Quốc gia phát biểu khai mạc hội thảo
Các đại biểu dự họp, đã thảo luận sôi nổi, chia sẻ thẳng thắn những khó khăn, vướng mắc thực tế triển khai trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ tại cơ quan đơn vị như: Hiện tại, có nhiều phần mềm phổ biến (cả nước sử dụng/nhiều bộ, ngành, địa phương sử dụng như phần mềm quản lý văn bản điều hành, cổng dịch vụ công, một cửa điện tử, LGSP, hệ thống báo cáo, ...) được xây dựng, phát triển cho một bộ, ngành, địa phương theo hướng phần mềm nội bộ (chưa có sẵn, phải xây dựng mới hoàn toàn), sau đó doanh nghiệp bán cho bộ, ngành, địa phương khác đúng phần mềm đó và có chỉnh sửa, bổ sung một số chức năng cho phù hợp, nhưng khi xác định chi phí thì vẫn xem đó là phần mềm nội bộ để tính tiền xây dựng mới hoàn toàn thêm lần nữa. Việc này dẫn đến tình trạng ngân sách nhà nước phải trả nhiều lần tiền cho một phần mềm.
Các đại biểu bộ, ngành, địa phương
Nghị định số 73/2019/NĐ-CP quy định quy trình và không giới hạn mức chi thường xuyên đối với hoạt động thuê dịch vụ công nghệ thông tin. Theo đó, xu hướng hiện nay là các cơ quan, đơn vị chuyển dịch từ “đầu tư” sang “thuê dịch vụ” với lý do quy trình thực hiện một dự án đầu tư khá lâu, không thể đáp ứng được yêu cầu cần triển khai, sử dụng sản phẩm dự án ngay; trong khi quy trình thuê dịch vụ thì đơn giản hơn, có thể dùng ngay dịch vụ mà không mất quá nhiều thời gian. Tuy nhiên, việc chuyển dịch này cũng có những điểm hạn chế: Hoạt động thuê dịch vụ tăng dẫn đến nguồn kinh phí chi thường xuyên sẽ không đủ để cấp; Chi phí thuê phần mềm không sẵn có trên thị trường chưa đảm bảo được tính ưu việt về kinh phí so với chi phí đầu tư phải bỏ ra, thậm chí có thể đắt hơn so với đầu tư....
Kết thúc hội nghị, thông qua các nội dung chia sẻ, các đại biểu dự họp cơ bản đã thống nhất được một số nội dung. Trong thời gian tới, sau khi Cục chuyển đổi số Quốc gia làm việc với các cơ quan đơn vị tiếp theo trên cả nước, sẽ báo cáo lãnh đạo Bộ, trình ban hành trong thời gian chậm nhất tháng 5/2024.