Chương trình hành động của Chính phủ về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư
Ngày 17/4/2020, Chính phủ ra Nghị quyết số 50/NQ-CP ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Mục tiêu tổng quát của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư với nội dung: Tận dụng có hiệu quả các cơ hội do cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đem lại để thúc đẩy quá trình đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với thực hiện các đột phá chiến lược và hiện đại hóa đất nước; phát triển mạnh mẽ kinh tế số; phát triển nhanh và bền vững dựa trên khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và nhân lực chất lượng cao; nâng cao chất lượng cuộc sống, phúc lợi của người dân; bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường sinh thái.
Nhằm đạt được mục tiêu Nghị quyết số 52-NQ/TW đề ra, trong thời gian tới, bên cạnh các nhiệm vụ thường xuyên, các Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương cần cụ thể hóa và tổ chức triển khai 8 nhóm nhiệm vụ, giải pháp sau đây:
Đổi mới tư duy, thống nhất nhận thức, tăng cường vai trò. lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, phát huy sự tham gia của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội; Hoàn thiện thể chế tạo thuận lợi cho chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và quá trình chuyển đổi số quốc gia; Xây dựng và phát triển cơ sở hạ tầng thiết yếu đáp ứng yêu cầu của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; Xây dựng và phát triển cơ sở hạ tầng thiết yếu đáp ứng yêu cầu của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; Phát triển nguồn nhân lực thích ứng với yêu cầu cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; Chính sách phát triển các ngành và công nghệ ưu tiên; Chính sách hội nhập quốc tế; Chính sách thúc đẩy chuyển đổi số trong các cơ quan Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội.
Đối với việc triển khai từng nhóm nhiệm vụ, tại chương trình hành động mới ban hành, Chính phủ cũng phân công cụ thể các công việc mà các bộ, ngành, địa phương cần tập trung.
Cụ thể, để hoàn thiện thể chế tạo thuận lợi cho chủ động tham gia CMCN 4.0 và quá trình chuyển đổi số quốc gia, Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương xây dựng cơ chế linh hoạt, phù hợp với môi trường kinh doanh số; tạo không gian thuận lợi cho đổi mới sáng tạo; sớm ban hành khung thể chế thử nghiệm có kiểm soát để triển khai thí điểm sau đó nhân rộng đối với các công nghệ, sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh doanh mới hình thành từ CMCN 4.0 có tiềm năng gây rủi ro cao.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các bộ, ngành liên quan nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật. Trước hết là pháp luật về doanh nghiệp, đầu tư, kinh doanh để tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển các mô hình và hoạt động kinh tế mới dựa trên các nền tảng như kinh tế số, kinh tế chia sẻ, kinh tế tuần hoàn, kinh tế dựa trên đổi mới sáng tạo, đồng thời ngăn chặn kịp thời các tác động tiêu cực cả về kinh tế và xã hội.
Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) có trách nhiệm chủ động tham gia vào các khuôn khổ pháp lý khu vực và toàn cầu để phát triển kinh tế số. Hoàn thiện pháp luật, chính sách về dữ liệu, quản trị dữ liệu, tạo thuận lợi cho việc tạo dựng, kết nối, chia sẻ và khai thác dữ liệu bảo đảm an toàn thông tin, an ninh mạng trong nước, tiến tới kết nối với khu vực ASEAN và quốc tế.
Chính phủ giao Bộ TT&TT triển khai băng thông rộng chất lượng cao trên toàn quốc tới tất cả các thôn, làng, trường học, bệnh viện, trung tâm cộng đồng, bảo đảm tính liên tục và dự phòng. Nghiên cứu, xây dựng, đề xuất cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp tư nhân có đủ năng lực tham gia xây dựng hạ tầng viễn thông và các hạ tầng khác cho chuyển đổi số.
Cùng với đó, Bộ TT&TT chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương và các cơ quan nghiên cứu xây dựng và phát triển đồng bộ hạ tầng dữ liệu quốc gia; hình thành hệ thống Trung tâm dữ liệu quốc gia, các Trung tâm dữ liệu vùng và địa phương kết nối đồng bộ và thông nhất. Coi dữ liệu là tài nguyên và nguồn lực quan trọng cho phát triển kinh tế xã hội; hình thành các hệ thống dữ liệu tin cậy, ổn định của nhà nước và doanh nghiệp.
Đối với nhiệm vụ phát triển nguồn nhân lực thích ứng với yêu cầu cuộc CMCN 4.0, Chính phủ giao Bộ TT&TT thực hiện phổ cập kỹ năng số, kỹ năng đảm bảo an toàn thông tin, an ninh mạng cho người dân; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, xây dựng văn hóa số trong cộng đồng.
Chính phủ đề nghị trên cơ sở những nội dung chủ yếu của Nghị quyết số 52-NQ/TW của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách lớn chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; Chương trình hành động của Chính phủ, các bộ, ngành, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương theo chức năng, nhiệm vụ xây dựng kế hoạch thực hiện Nghị quyết và Chương trình hành động của Chính phủ trước ngày 01/6/2020.