Kế hoạch bảo đảm cung cấp hàng hóa thiết yếu của doanh nghiệp bưu chính lớn
Ngày 21/7/2021, Bộ Thông tin và Truyền thông vừa ban hành Quyết định số 1035/QĐ-BTTTT phê duyệt Kế hoạch bảo đảm cung cấp hàng hóa thiết yếu của doanh nghiệp bưu chính lớn tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đang thực hiện giãn cách xã hội.
Mục tiêu nhằm góp phần bảo đảm vận chuyển, cung cấp hàng hóa thiết yếu cho người dân tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Thiết lập các điểm tập kết, bố trí các điểm trung chuyển, phân phối hàng hóa thiết yếu (cố định, lưu động) có kiểm soát an toàn dịch bệnh nhằm bảo đảm nguồn cung và phân phối kịp thời cho người dân.
Theo đó, Bộ Thông tin và Truyền thông yêu cầu các doanh nghiệp bưu chính lớn xây dựng Kế hoạch triển khai chi tiết và chủ động bám sát chỉ đạo của chính quyền địa phương, phối hợp với các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông, các cơ quan, đơn vị của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ được giao, đảm bảo cung cấp hàng hóa thiết yếu cho người dân trong thời gian giãn cách xã hội. Nội dung thực hiện của doanh nghiệp bưu chính lớn tại Kế hoạch bao gồm:
(1) Tham gia vận chuyển hàng hóa cho các tỉnh, thành phố: Chủ động bố trí phương tiện vận chuyển, kho bãi để cung cấp hàng hóa thiết yếu đến người dân; bảo đảm vận chuyển hàng hóa theo sự chỉ đạo của chính quyền địa phương. Tập trung tham gia vận chuyển, cung cấp hàng hóa thiết yếu tại các điểm phục vụ bưu chính (hoặc qua hình thức lưu động) cho người dân ở các địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội theo tinh thần chỉ đạo tại Nghị quyết số 78/NQ-CP ngày 20/7/2021 của Chính phủ về phiên họp Chính phủ chuyên đề về phòng, chống dịch Covid-19.
Phối hợp với Sở Công Thương của các tỉnh, thành để đề xuất các phương án hỗ trợ vận chuyển, lưu thông hàng hóa từ nơi sản xuất đến người tiêu dùng thông qua các hệ thống siêu thị, điểm bán hàng trong phạm vi nội tỉnh và liên tỉnh góp phần thúc đẩy hoạt động vận chuyển, lưu thông hàng hóa, giảm ùn tắc. Chủ động tìm kiếm nguồn cung hàng hóa thiết yếu đầu vào để phân phối cho các điểm cung cấp hàng hóa thiết yếu cho người dân địa phương.
(2) Triển khai các điểm cung ứng hàng hóa thiết yếu: Chủ động xây dựng các phương án: Tự tìm nguồn, khai thác hàng hóa để cung cấp cho người dân; Phối hợp cùng Chính quyền địa phương để thực hiện. Chủ động bố trí mặt bằng, phương tiện vận chuyển để thiết lập các điểm cung cấp hàng hóa thiết yếu (gồm bán hàng tại điểm bán cố định và bán lưu động). Có văn bản gửi UBND tỉnh, thành phố và Sở Công Thương, Cục Quản lý thị trường, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đề xuất hình thức triển khai cung cấp hàng hóa (trực tiếp, trực tuyến), bao gồm: phương án thiết lập các điểm cung cấp hàng hóa thiết yếu; thống nhất danh sách điểm bán hàng thiết yếu và danh mục hàng hóa thiết yếu sẽ bán tại các điểm cung cấp.
(3) Cung cấp hàng hóa đến người dân: Thiết lập các điểm cung cấp hàng hóa thiết yếu tại các bưu cục thuộc mạng lưới của doanh nghiệp bưu chính lớn hoặc bán hàng lưu động, cụ thể: Điểm bán hàng cố định và điểm bán hàng lưu động (xe ô tô bán hàng lưu động): Phối hợp với Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố và các cơ quan, đoàn thể địa phương để triển khai các biện pháp 5K tại điểm bán.Bán hàng tại địa chỉ: người dân có thể đăng ký hàng hóa thiết yếu với nhân viên của doanh nghiệp bưu chính lớn khi đi phát hàng/chi trả lượng hưu, trợ cấp xã hội... để được cung cấp hàng hóa đến địa chỉ yêu cầu. Bán hàng qua đường dây nóng (hotline): gọi trực tiếp về số điện thoại của các bưu cục để cung cấp hàng hóa hàng hóa thiết yếu tới người dân tại địa chỉ. Cung ứng hàng hóa qua sàn thương mại điện tử: Người dân đặt mua hàng hóa thiết yếu trên các sàn thương mại điện tử: sàn Postmart.vn và sàn voso.vn, hàng hóa sẽ được chuyển phát đến tận địa chỉ yêu cầu.
(4) Bảo đảm cung ứng đối với dịch vụ KT1 và dịch vụ hành chính công (Vietnam Post thực hiện): Đối với dịch vụ KT1 bảo đảm cung cấp dịch vụ KT1 cho các cơ quan Đảng, Nhà nước tại địa phương nhanh chóng, kịp thời, chính xác, an toàn tuyệt đối trong mọi tình huống. Đối với dịch vụ hành chính công: Chủ động phối hợp với các Sở, ban, ngành trên địa bàn để thống nhất phương án phục vụ, đăng ký các thông tin cá nhân, số điện thoại của nhân viên Bưu điện phục vụ nhận, phát bưu gửi hành chính công trên địa bàn đến và đi từ các cơ quan, sở, ban/ngành. Đối với các dịch vụ hành chính công cung cấp cho các đối tượng trong địa bàn bị cách ly, doanh nghiệp Bưu chính thống nhất với các cơ quan chức năng về phương án thực hiện.
(5) Thu thập địa chỉ số và mã định danh điện tử công dân phục vụ xây dựng bản đồ số phòng chống dịch, bản đồ số quốc gia (Vietnam Post thực hiện): Bố trí lực lượng tiếp tục thu thập địa chỉ số và mã định danh điện tử công dân kết hợp với quá trình cung cấp dịch vụ công, dịch vụ thiết yếu, để phục vụ xây dựng bản đồ số phòng chống dịch, bản đồ số quốc gia.
(6) Tổ chức hoạt động truyền thông, thông tin: Tổ chức truyền thông, thông tin về Kế hoạch; danh sách các điểm cung cấp hàng hóa thiết yếu;... trên các phương tiện thông tin đại chúng từ Trung ương xuống địa phương: báo chí, đài truyền hình, hệ thống thông tin cơ sở, mạng xã hội và các hình thức truyền thông phù hợp khác. Lập danh sách các điểm cung cấp hàng hóa với các thông tin gồm: địa chỉ, số điện thoại, các mặt hàng thiết yếu bán tại các điểm cung ứng; phối hợp với Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, Liên đoàn Lao động… triển khai tới các hội viên, khuyến khích mua hàng hóa qua các kênh khác nhau, đặc biệt qua kênh trực tuyến (online).
Bên cạnh đó, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương giao Sở Thông tin và Truyền thông của Tỉnh/Thành phố làm đầu mối phối hợp với các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông; các doanh nghiệp bưu chính lớn thực hiện các nội dung liên quan tại Kế hoạch. Chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trên địa Tỉnh/Thành phố phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông; các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông và các doanh nghiệp bưu chính lớn triển khai, thực hiện các nội dung, nhiệm vụ theo Kế hoạch này.