Đến năm 2025, 100% lãnh đạo, cán bộ, phóng viên, biên tập viên các cơ quan báo chí của tỉnh được đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng về chuyển đổi số báo chí
Đây là mục tiêu quan trọng được nêu tại Kế hoạch triển khai Chiến lược chuyển đổi số báo chí đến năm 2025 định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Thái Bình được Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành vào ngày 24/11/2023.
Theo đó, Kế hoạch được ban hành nhằm mục đích xây dựng các cơ quan báo chí của tỉnh theo hướng chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại; làm tốt sứ mệnh thông tin tuyên truyền phục vụ sự nghiệp cách mạng của Đảng, sự nghiệp đổi mới của đất nước và của tỉnh; đảm bảo vai trò dẫn dắt, định hướng dư luận xã hội, giữ vững chủ quyền thông tin trên không gian mạng; đổi mới hiệu quả trải nghiệm của độc giả; tạo nguồn thu mới; thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp nội dung số.
Cụ thể, đến năm 2025 Báo Thái Bình, Đài Phát thanh và Truyền hình Thái Bình đưa nội dung lên các nền tảng số (ưu tiên các nền tảng số trong nước) và sử dụng nền tảng phân tích, xử lý dữ liệu tổng hợp tập trung, ứng dụng trí tuệ nhân tạo để tối ưu hóa hoạt động; Báo Thái Bình điện tử có giải pháp đảm bảo an toàn, an ninh hệ thống thông tin cấp độ 3 trở lên; Báo Thái Bình, Đài Phát thanh và Truyền hình Thái Bình hoạt động, vận hành mô hình tòa soạn hội tụ; sản xuất nội dung theo các xu hướng báo chí số; Các cơ quan báo chí của tỉnh tối ưu hóa nguồn thu, trong đó Đài Phát thanh và Truyền hình Thái Bình tăng doanh thu tối thiểu 20%; 100% lãnh đạo, cán bộ, phóng viên, biên tập viên các cơ quan báo chí của tỉnh được đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng về chuyển đổi số báo chí.
Đến năm 2030, 100% cơ quan báo chí của tỉnh đưa nội dung lên các nền tảng số (ưu tiên các nền tảng số trong nước); 100% cơ quan báo chí của tỉnh sử dụng nền tảng phân tích, xử lý dữ liệu tổng hợp tập trung, ứng dụng trí tuệ nhân tạo để tối ưu hóa hoạt động; 100% cơ quan báo chí của tỉnh hoạt động, vận hành mô hình tòa soạn hội tụ và các mô hình phù hợp với sự phát triển của khoa học, công nghệ tiên tiến trên thế giới, sản xuất nội dung theo các xu hướng báo chí số; Các cơ quan báo chí của tỉnh tối ưu hóa nguồn thu, trong đó 50% cơ quan báo chí tăng doanh thu tối thiểu 20%.
Để đạt được các mục tiêu trên, Kế hoạch đặt ra 05 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm bao gồm: Tuyên truyền, nâng cao nhận thức; Thực hiện quy hoạch báo chí; Phát triển các sản phẩm báo chí số; Ứng dụng nền tảng số cho các cơ quan báo chí tỉnh; Phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực báo chí tỉnh
Để triển khai thực hiện Kế hoạch, UBND tỉnh giao Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì, theo dõi, đôn đốc các cơ quan báo chí tỉnh và các đơn vị có liên quan thực hiện các nhiệm vụ được giao tại Kế hoạch nhằm triển khai chiến lược chuyển đổi số và phát triển báo chí trên địa bàn tỉnh đạt mục tiêu đề ra. Bên cạnh đó, chủ trì, phối hợp các đơn vị có liên quan rà soát, kịp thời tham mưu đề xuất sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật về báo chí và các văn bản pháp luật có liên quan theo chức năng, thẩm quyền được giao nhằm thúc đẩy, hỗ trợ quá trình phát triển và chuyển đổi số của các cơ quan báo chí; Chủ trì tổ chức kiểm tra, giám sát và đánh giá, tổng hợp hằng năm, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh; đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh điều chỉnh, bổ sung nội dung Kế hoạch trong trường hợp cần thiết.
Các cơ quan báo chí của tỉnh phải xây dựng Kế hoạch và tổ chức thực hiện Kế hoạch chuyển đổi số của cơ quan báo chí; tiến hành đánh giá định kỳ (trước ngày 10/12 hàng năm) kết quả thực hiện, báo cáo cơ quan chủ quản và Ủy ban nhân dân tỉnh (qua Sở Thông tin và Truyền thông). Thực hiện phát triển các sản phẩm báo chí số; ứng dụng nền tảng số cho báo chí; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực báo chí tỉnh.